Wednesday, September 12, 2012

Điểm Dối Lừa - Chương 57 - Phần 1

Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton đặt ly rượu Courvoisier trên bệ lò sưởi trong căn hộ của ông tại khu chung cư Westbrooke, vừa cho than vào lò vừa trầm ngâm suy nghĩ. Sáu người đàn ông cùng ở trong phòng với ông đều đang im lặng, chờ đợi Những câu chuyện phiếm đều đã kết thúc, giờ là lúc Thượng nghị sĩ phải tung ra khẩu hiệu quảng cáo cho bản thân mình. Họ biết thế. Ông cũng biết thế.
Làm chính trị cũng giống như đi chào hàng.
Cần phải gây dựng lòng tin. Cho họ thấy là mình hiểu vấn đề của họ.
- Chắc các vị cũng biết, - ông quay về phía họ và nói, mấy tháng nay tôi đã gặp rất nhiều người trong tình cảnh giống như các vị.
Ông mỉm cười, ngồi xuống cùng với họ.
- Các vị là những người duy nhất mà tôi mời đến nhà riêng. Các vị đều là những người xuất chúng, vì thế tôi lấy làm vinh hạnh được làm quen.
Sexton khoanh tay trước ngực, đưa mắt nhìn khắp phòng, nhìn thẳng vào mắt từng vị khách một. Sau đó, ông tập trung vào đối tượng đầu tiên - người đàn ông dáng bệ vệ đội mũ cao bồi.
- Công ty Vũ trụ Houston, - Ông nói - tôi rất mừng vì ông đã đến.
Ông già Texas đó càu nhàu:
- Tôi ghét cái thành phố này.
- Tôi không trách ông về điều đó. Thành phố này đã đối xử với ông một cách bất công.
Ông già đội mũ đó chằm chằm nhìn Sexton nhưng không nói gì.
- Cách đây 12 năm, - Sexton bắt đầu nói, - Ông đã đưa ra một đề nghị đối với Chính phủ. Ông muốn xây cho họ một sân bay vũ trụ với mức giá chỉ năm triệu đô la.
Đúng thế. Tôi vẫn còn giữ bản kế hoạch chi tiết đây.
- Ấy thế nhưng NASA đã thuyết phục được Chính phủ rằng sân sân bay vũ trụ của Hoa Kỳ phải là một dự án của NASA.
- Đúng thế. Họ bắt tay xây dựng sân bay đó cách đây gần chục năm.
- Một thập niên. Và không những sân bay vũ trụ đó chưa thể đi vào hoạt động toàn bộ, mà nó đã ngốn mất số tiền nhiều gấp 20 lần mức giá ông đưa ra. Là người dân đóng thuế, tôi phát sợ.
Tiếng xì xào tán thưởng nổi lên trong phòng. Sexton lần lượt nhìn thẳng vào mắt từng vị khách.
- Tôi cũng biết rằng, - ngài Thượng nghị sĩ nói tiếp. - một số công ty của các vị đây đã đưa ra giá năm mươi triệu đô la cho một lần phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo.
Một số người gật đầu.
- Ấy thế nhưng NASA đã nẫng tay trên của quý vị bằng cách chào mức giá có ba mươi tám triệu đô một lần phóng…, mặc dù giá thật của mỗi lần phóng lên tới 150 triệu!
- Bằng cách đó họ đã ngăn cản chúng tôi tiến vào vũ trụ. - Một người lên tiếng. - Các công ty tư nhân không thể cạnh tranh nổi khi họ chấp nhận mức giá lỗ tới bốn trăm phần trăm, nhưng vẫn có thể tiếp tục kinh doanh.
- Các vị cũng không cần phải cạnh tranh theo kiểu đó.
Tất cả đều gật gù.
Lúc này Sexton quay sang nhà kinh doanh dáng khắc khổ bên cạnh mình, ông đã đọc tài liệu về ông ta một cách rất say sưa.
Giống đa số những doanh nghiệp đang tài trợ cho Sexton, nhà quân sự này vì ngán ngẩm mức lương ba cọc ba đồng và tệ quan liêu của Chính phủ nên đã từ bỏ sự nghiệp quân sự để kinh doanh trong lĩnh vực vũ trụ.
- Công ty Kistler, - Sexton lắc đầu buồn bã và nói - công ty của các vị đã thiết kế và chế tạo những tên lửa có khả năng vận chuyến hàng hoá lên vũ trụ với giá chỉ hai ngàn đô la một pound, so với mức giá mười ngàn đô la của NASA. - Ông ngừng một lát để lời nói có thêm trọng lượng. - Ấy thế nhưng vẫn không tìm được khách hàng nào cả.
Làm sao mà tôi có nổi khách hàng. - Ông ta đáp. - Tuần trước NASA vừa ăn chặn của tôi bằng cách chào giá với Motorola có tám trăm mười hai đô la để phóng một vệ tinh viễn thông. Trên thực tế Chính phủ đã làm vụ đó với mức lỗ lên tới chín trăm phần trăm!
Sexton gật đầu. Những người đóng thuế đang phải nai lưng ra mà bao cấp cho một tổ chức có hiệu suất thấp bằng một phần mười các đối thủ cạnh tranh của nó.
- Thật đau lòng. - Ông thấp giọng nói - rằng NASA đang cố sức kìm hãm sự cạnh tranh trong lĩnh vực vũ trụ. Họ hất cảng các công ty tư nhân ra bằng cách cung cấp dịch vụ với mức giá thấp hơn giá thị trường.
- Đó chính là trò Wal-Mart trong vũ trụ, chứ còn gì nữa. - Người đàn ông Texas nói.
Sự giống nhau đáng ghét, Sextơn thầm nghĩ. Mình phải nhớ 1ấy điều này. Wal-Mart từng khét tiếng về chiến thuật thâm nhập thị trường mới bằng cách bán dưới giá, và tiêu diệt hết các doanh nghiệp địa phương.
- Tôi thấy quá mệt mỏi, - người đàn ông Texas lại nói tiếp - vì cứ phải trả hết tỉ này đến tỉ khác tiền thuế để Chính phủ có đủ tiền nẫng tay trên các khách hàng của tôi!
- Tôi biết, - Sexton nói - và rất thông cảm với ông.
- Chính vì không được nhận tài trợ nên Rotary Rocket đang chết dần. - Người đàn ông ăn mặc rất chỉnh tề, nói. - Luật cấm tài trợ chẳng qua là bộ luật giết người!
- Tôi hoàn toàn tán thành. - Sexton đã từng vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng NASA cũng đã bảo vệ sự độc quyền của họ bằng cách vận động Chính phủ thông qua bộ luật cấm dùng các phương tiện vận tải vũ trụ cho mục đích quảng cáo. Bộ luật đó cấm các công ty tư nhân nhận tiền từ các nhà tài trợ cũng như các hợp đồng quảng cáo logo - giống như cách các tay đua xe chuyên nghiệp vẫn thường làm - các phương tiện vận tải trên vũ trụ chỉ được phép có chữ U.S.A, và tên công ty chế tạo. Ở một quốc gia mà doanh thu từ quảng cáo lên tới 185 tỉ đô la mỗi năm, các công ty vũ trụ tư nhân không thu nổi một xu từ lĩnh vực này.
- Đó là hành động cướp bóc! - Một người lên tiếng. - Tôi dự định duy trì hoạt động của công ty cho đến tháng năm, khi chúng tôi có thể phóng thử mô hình tên lửa du lịch đầu tiên của cả nước. Và hi vọng nhận được rất nhiều tiền từ quảng cáo. Nike đã đề nghị tài trợ cho chứng tôi những bảy triệu đô la để hình chiếc giày của họ kèm theo khẩu hiệu "Hãy xốc tới! - được in trên vỏ quả tên lửa đó.
Pepsi đưa ra số tiền nhiều gấp đôi như thế cho dòng chữ "Pepsi: sự lựa chọn của tương lai". Nhưng theo luật Liên bang, nếu in hình quảng cáo thì quả tên lửa đó bị cấm phóng lên!
- Đúng thế! - Thượng nghị sĩ Sexton nói. - Và nếu đắc cử thì tôi sẽ tìm cách huỷ bỏ điều luật cấm tài trợ đó. Tôi xin hứa như vậy. Từng inch trên mặt đất đều được tận dụng để quảng cáo và vũ trụ cũng nên như thế.
Lúc này Sexton đưa mắt nhìn thính giả của mình, nhìn sâu vào mắt từng người một, nói một cách trang trọng. - Tuy nhiên, phải nói rằng trở ngại chính trong công cuộc tư hữu hoá NASA không phải là các đạo luật mà chính là hình ảnh của nó trong lòng công chúng.
Hầu hết dân Mỹ vẫn giữ trong lòng hình ảnh đầy thi vị và đẹp đẽ về chương trình vũ trụ của Hoa Kỳ. Họ vẫn tin rằng NASA là một bộ phận cần thiết của Chính phủ.
- Chẳng qua là tại mấy bộ phim chết tiệt đó của Hollywood! - Một người nói. - Hollywood đã làm không biết bao nhiêu bộ phim kiểu NASA cứu nguy cho trái đất khi bị một sao Chổi tấn công. Họ tuyên truyền bằng cách ấy đấy!
Những bộ phim về NASA được chiếu nhan nhản khắp nơi, Sexton biết, chẳng qua là vì lí do kinh tế. Sau thành công vang dội của bộ phim "Súng ngắn siêu hạng" do Tom Cruise thủ vai chính, có tác dụng quảng bá mạnh mẽ cho Hải quân Mỹ - NASA nhận thấy rằng Hollywood rất có tiềm năng trở thành bộ phận quan hệ công chúng đặc biệt hữu hiệu. Thế là họ bắt đầu cho phép các nhà làm phim sử dụng cơ sở vật chất của NASA mà không cần phải trả tiền - các bệ phóng, dàn thiết bị điều khiển, các cơ sở luyện tập. Vốn quen phải chi những khoản tiền khổng lồ để thuê địa điểm mỗi khi bấm máy bên ngoài trường quay, các nhà sản xuất phim chớp ngay lấy cơ hội để tiết kiệm cho ngân quỹ của mình hàng tỷ đô la, họ sản xuất những bộ phim hành động về NASA. Dĩ nhiên chỉ sau khi NASA thông qua kịch bản thì Hollywood mới được sử dụng địa điểm của họ mà không mất tiền.